Ăn chế độ dựa trên thực vật, hoạt động thể chất thường xuyên, giữ tâm lý tích cực và kết nối xã hội là những phương pháp hiệu quả để nâng cao sức khỏe.

Ngày càng nhiều người bị căng thẳng, thiếu ngủ, thừa cân và mắc các bệnh có thể phòng tránh như tim mạch, ung thư, đột quỵ và tiểu đường. Tại Mỹ, thừa cân và béo phì là nguyên nhân của khoảng 50% ca cao huyết áp ở người lớn, 10% ca tiểu đường. Người Mỹ cũng dành hàng nghìn tỷ USD hàng năm chi tiêu cho các bệnh mạn tính và sức khỏe tâm thần.

Theo các chuyên gia, các liều thuốc từ lối sống hoàn toàn miễn phí có thể thay đổi được tình trạng này. Y học lối sống là sử dụng các hành vi lành mạnh để ngăn ngừa, điều trị và đẩy lùi bệnh tật. Trong đó, 5 bài thuốc bao gồm: ăn chay hoặc ăn chế độ thiên về thực vật, hoạt động thể chất thường xuyên, ngủ phục hồi cơ thể, kiểm soát căng thẳng, giữ tâm lý tích cực và nâng cao kết nối xã hội.

Thực phẩm toàn phần, ăn chế độ thiên về thực vật

Chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, ít sản phẩm từ động vật có thể ngăn ngừa nhiều loại bệnh tật. Thực đơn này cũng cải thiện sức khỏe nói chung, đẩy lùi các bệnh tim mạch, chuyển hóa, bệnh về não, nội tiết tố, thận, các bệnh tự miễn và ngăn ngừa 35% ung thư.

Giới chuyên gia cho rằng nên thực hiện các thử nghiệm lớn hơn hoặc áp dụng phương pháp nghiên cứu mới với trọng tâm là chất lượng của chế độ ăn uống. Các nhà khoa học có thể thu thập nhiều dữ liệu về thành phần vi chất dinh dưỡng, nguồn protein từ thực vật so với động vật, bên cạnh tỷ lệ chất béo, carbohydrate và protein. Các thử nghiệm nên bao gồm trẻ em, vì nhiều rối loạn ở tuổi trưởng thành được gieo mầm sớm, từ khi còn nhỏ hoặc trong tử cung.

Hoạt động thể chất thường xuyên

Nhiều thập kỷ, các nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải đến cường độ cao hàng ngày có lợi ích cho sức khỏe về lâu dài. Thực tế, tuổi theo thời gian và độ tuổi sinh học của con người được xác định bởi quá trình phân tử chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động thể chất. Nghiên cứu cho thấy các tập thể dục có thể làm thay đổi tế bào và phân tử, làm giảm nguy cơ bệnh tật.

Hoạt động thể chất hàng ngày có thể làm thay đổi tế bào và phân tử, làm giảm nguy cơ bệnh tật. Ảnh: Lifestyle memory

Giấc ngủ phục hồi

Một giấc ngủ sâu, chất lượng giúp các tế bào, cơ quan và toàn bộ cơ thể hoạt động tốt hơn. Ngủ liền mạch 7 tiếng mỗi đêm đối với người lớn, 8 đến 10 tiếng với thanh thiếu niên và trên 10 tiếng với trẻ em là cần thiết để có sức khỏe tốt.

Dù chưa có nghiên cứu chuyên sâu, nhiều bằng chứng vẫn cho thấy giấc ngủ chất lượng có thể làm giảm chứng viêm, ngăn ngừa rối loạn chức năng miễn dịch, stress oxy hóa và biến đổi biểu sinh của DNA. Tất cả đều góp phần ngăn ngừa tình trạng viêm mạn tính.

Do đó, các chuyên gia cho rằng nghiên cứu các cơ chế sinh học làm cơ sở cho đặc tính phục hồi của giấc ngủ có thể giúp đưa ra phương pháp tiếp cận chính sách và môi trường hoặc dân số, nhằm điều chỉnh mô hình giấc ngủ tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày.

Kiểm soát căng thẳng

Trong một số trường hợp, căng thẳng là phản ứng tự vệ có lợi. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài hoặc quá độ có thể áp đảo não và cơ thể. Căng thẳng mạn tính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ruột kích thích, béo phì, trầm cảm, hen suyễn, viêm khớp, các bệnh tự miễn, tim mạch, ung thư, tiểu đường, rối loạn thần kinh và béo phì.

Một trong những phương pháp hiệu quả nhất để giảm căng thẳng và tăng cường phục hồi chức năng là tự tạo phản ứng thư giãn bằng cách sử dụng các liệu pháp tâm trí - cơ thể và liệu pháp hành vi - nhận thức.

Xuất hiện từ cuối thập niên 1980, nhận thức - hành vi là một dạng liệu pháp được chứng minh hữu dụng đối với bệnh nhân trầm cảm, lo hãi và tâm trạng thất thường.

Giữ tâm lý tích cực và kết nối xã hội

Duy trì suy nghĩ tích cực thông qua các bài tập về lòng biết ơn, sự tha thứ có tác động đáng kể đến sức khỏe tâm lý, từ đó nâng cao thể chất. Kết nối xã hội, cụ thể là tăng số lượng, chất lượng các mối quan hệ cá nhân cũng góp phần cải thiện sức khỏe.

Ngược lại, tình trạng cô lập với xã hội, chẳng hạn sống một mình, có ít bạn bè, không tham gia hoạt động, cô đơn kéo dài có thể khiến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong tăng cao, chức năng hệ miễn dịch suy giảm, có nguy cơ bị trầm cảm, suy giảm nhận thức.