Chính phủ Hà Lan đã công bố gói hỗ trợ người dân lớn chưa từng có trong lịch sử với trị giá 17,2 tỷ euro vào năm 2023 và 4,9 tỷ euro bổ sung trong những năm tiếp theo. Nỗ lực trên nhằm trợ giúp người dân nước này đang phải đối mặt thực trạng giá năng lượng tăng cao và mức lạm phát tới hai con số, hậu quả từ xung đột tiếp diễn tại Ukraine.

Lạm phát tăng cao khiến đời sống người dân Hà Lan gặp nhiều khó khăn.

Nhà vua Willem-Alexander của Hà Lan đã công bố gói hỗ trợ trên khi phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội Hà Lan ở La Hay. Theo bản tóm lược về ngân sách tài khóa mới 2023 được nội các của Thủ tướng Mark Rutte công bố, Amsterdam dự kiến dành 17,2 tỷ euro để hỗ trợ người dân vào năm 2023 và 4,9 tỷ euro bổ sung trong những năm tiếp theo.  


Theo Bloomberg, các biện pháp hỗ trợ sẽ rất đa dạng. Chính phủ Hà Lan dự kiến tăng ngay 10,15% lương tối thiểu, bảo đảm lương tối thiểu 1.935 euro mỗi tháng cho người lao động toàn thời gian. Cùng với việc giảm thuế thu nhập cá nhân, các khoản trợ cấp thuê nhà, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giáo dục… đều được bổ sung, trong đó các hộ gia đình có chi phí liên quan tới trẻ em sẽ nhận được 1.653 euro cho con đầu lòng và 1.532 euro cho mỗi đứa trẻ tiếp theo vào năm 2023, cao hơn mức 1.220 euro và 1.000 euro tương ứng của năm 2022. Hà Lan cũng sẽ gia hạn giảm thuế nhiên liệu tới tháng 7-2023, cùng việc tiến tới áp giá trần đối với khí đốt và điện kể từ ngày 1-1-2023 để bảo vệ các hộ gia đình trong bối cảnh giá khí đốt và điện tăng cao.


Để có được nguồn lực tài chính đáp ứng gói hỗ trợ trên, Hà Lan dự kiến sẽ tăng thuế thu nhập đối với các công ty khai thác dầu khí, ước tính mang lại 2,8 tỷ euro trong các năm 2023 và 2024. Cùng với đó, doanh thu khí đốt từ mỏ Groningen và các hoạt động khai thác khác dự kiến đóng góp khoảng 8,5 tỷ euro. Ngoài ra, Amsterdam cũng sẽ tăng thuế lợi nhuận doanh nghiệp từ 15% lên 19%.


Theo giới quan sát, việc triển khai gói cứu trợ ở thời điểm hiện nay là cần thiết và đúng lúc. Bởi lẽ, theo số liệu của Văn phòng Thống kê trung ương Hà Lan (CBS), lạm phát ở nước này trong tháng 8-2022 là 12%, cao hơn 3% so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) và là mức cao nhất mà Hà Lan đối mặt kể từ thập niên 1970 đến nay. Nguyên nhân của lạm phát được cho là do giá khí đốt và điện tăng kỷ lục. Hiện nay, giá năng lượng tại Hà Lan đã tăng 170% và giá điện tăng 149% trong tháng 8-2022 so với năm 2021.


Khó khăn tài chính khiến Văn phòng Phân tích chính sách kinh tế Hà Lan (CPB) dự báo, khoảng 1 triệu trong tổng số 17,7 triệu dân nước này sắp đối mặt nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói. "Thật đau đớn khi ngày càng nhiều người Hà Lan chật vật thanh toán tiền nhà, nhu yếu phẩm, hóa đơn năng lượng hay bảo hiểm y tế", Nhà vua Hà Lan Willem-Alexander bày tỏ trong bài phát biểu công bố gói hỗ trợ.


Trong bối cảnh đó, CPB tin rằng, các biện pháp trong gói hỗ trợ sẽ thúc đẩy sức mua hơn 3% vào năm tới đối với các hộ gia đình. Nhờ thế, lạm phát của Hà Lan dự kiến ở mức 9,9% vào cuối năm 2022 và 2,6% vào năm 2023. Nhiều ý kiến cho rằng, gói cứu trợ, nếu được triển khai suôn sẻ, sẽ vực dậy uy tín của chính quyền Thủ tướng Mark Rutte, đang xuống mức thấp kỷ lục. Kết quả thăm dò vừa được công bố ngày 19-9 cho thấy, 80% trong số 2.684 người được hỏi không tán thành cách xử lý khủng hoảng năng lượng của người đứng đầu Chính phủ Hà Lan.


Với gói giải pháp toàn diện dựa trên nền tảng tài chính cao kỷ lục, có thể thấy, Chính phủ Hà Lan đang nỗ lực hết mình vì an sinh xã hội và đời sống của người dân. Qua đó, kỳ vọng chèo lái đất nước vượt qua giai đoạn thế giới và khu vực đang đối mặt với những thách thức chưa từng thấy.